November 5, 2024

Mới đây, a16z, một quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng trong thị trường crypto, đã phát hành một bản báo cáo tổng quan về tình hình thị trường tiền điện tử nửa đầu năm 2022. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về góc nhìn của những quỹ đầu tư lớn để có cái nhìn rõ ràng hơn về tổng thể thị trường, qua đó lựa chọn cho mình hướng đầu tư phù hợp nhé!

Source: coincheckup.com
Source: coincheckup.com

Đã có rất nhiều thay đổi trong thị trường tiền điện tử kể từ khi chúng tôi bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực này gần một thập kỷ trước.

Đây sẽ là bản báo cáo thường niên đầu tiên với mục đích mang tới cái nhìn tổng quan về các xu hướng trong ngành công nghiệp tiền điện tử, được chia sẻ thông qua việc phân tích tất cả dữ liệu mà chúng tôi theo dõi được từ nhà đầu tư cũng như các dự án. Bản báo cáo này dành cho bất kì ai muốn tìm hiểu sự phát triển của Internet để hiểu được chúng ta đang ở đâu trong hành trình hướng tới một giải pháp mang tính phi tập trung, do cộng đồng sở hữu, thay thế cho những nền tảng công nghệ tập trung từ Web2.

5 Điều Quan Trọng

#1. Chúng ta đang ở trong “chu kỳ tăng trưởng giá” lần thứ 4

Mọi thị trường tài chính đều mang tính chất thời vụ, và tiền điện tử cũng không là ngoại lệ. Mùa hè nhường chỗ cho giá lạnh của mùa đông, và mùa đông tan trong sự ấm áp của mùa hè. Các ý tưởng tiến bộ của những nhà phát triển cuối cùng sẽ kích hoạt lại sự lạc quan khi lớp bụi lắng xuống. Với sự suy thoái của thị trường gần đây, chúng ta có thể đang bước vào một giai đoạn ngủ đông đã được dự đoán từ trước.

Chu kỳ phát triển của thị trường crypto.

Mặc dù thị trường tiền điện tử đầy sự biến động, và chu kỳ của nó mang tính hỗn loạn nhưng đều tuân thủ theo một logic cơ bản. Với những thị trường tài chính truyền thống, giá cả chỉ là một trong những chỉ báo đánh giá hiệu suất của một số ngành. Tuy nhiên đối với thị trường crypto, chúng là một chỉ báo hàng đầu, mang tính quyết định. 

Giá cả thúc đẩy sự quan tâm, giúp nảy sinh các ý tưởng và hoạt động, từ đó thúc đẩy sự đổi mới. Chúng tôi gọi vòng lặp này là “chu kỳ tăng trưởng giá”, và nó cũng là động cơ đã thúc đẩy thị trường vượt qua nhiều làn sóng khác nhau kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009.

Biểu đồ chu kỳ tăng trưởng, mối liên hệ giữa tốc độ phát triển và sự hứng thú của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư huyền thoại Benjamin Graham đã từng nói:

Tốt nhất đừng bận tâm tới “Ngài Thị Trường”.

Chúng tôi cũng muốn bổ sung thêm một ý nữa rằng “Tốt hơn hết hãy tập trung xây dựng.” Trong lịch sử, đã có những nhà sáng lập tiềm năng từ bỏ lĩnh vực công nghệ và Internet sau sự cố dot-com đầu những năm 2000. Họ là những người đã bỏ lỡ những cơ hội phát triển tốt nhất thập kỷ như điện toán đám mây, mạng xã hội, phát video trực tuyến, smartphones,… 

Điều này càng củng cố thêm niềm tin và kỳ vọng của mọi người vào sự thành công của Web3 cũng như công nghệ blockchain trong tương lai.

#2. Web3 chính là thiên đường cho những nhà sáng tạo

Các điều khoản phí dịch vụ của những gã khổng lồ Web2 là không cân xứng, trong khi đó các nền tảng Web3 cung cấp những điều khoản quản lý công bằng hơn. Một phép so sánh đơn giản về tỷ lệ phí dịch vụ giữa 100% của Meta trên Facebook và Instagram so với 2,5% của OpenSea NFT marketplace. 

Nghị sĩ Hoa Kỳ Ritchie Torres cũng từng lên tiếng trong một phóng sự gần đây: “Bạn biết có gì đó sai trái trong nền kinh tế khi những tập đoàn Big Tech có tỷ lệ thu phí cao hơn cả mafia.”

Tỉ lệ thu phí của các nền tảng sáng tạo.

Nhóm của chúng tôi đã tiến hành phân tích các dữ liệu để ước tính số tiền mà Web3 đang trả cho những người hoạt động sáng tạo khi so sánh với Web2. Các con số không biết nói dối. Vào năm 2021, doanh số giao dịch NFT trên nền tảng Ethereum (ERC-721 và ERC-1155) cộng với tiền bản quyền trả cho người sáng tạo đã đạt trị giá lên đến 3,9 tỷ đô la. Con số đó cao hơn gấp 4 lần so với 1 tỷ đô la – chưa đến 1% doanh thu – mà Meta đã dùng để trả cho người sáng tạo trong năm 2022.

Doanh thu ước tính của người sáng tạo nội dung trên các nền tảng Web2.

Các con số thậm chí còn làm nổi bật giữa số lượng người sử dụng Web2 và Web3: Chúng tôi thống kê được 22,400 người sáng tạo nội dung trên Web3 (dựa trên số lượng các bộ sưu tập NFT) so với gần 3 tỷ người dùng hoạt động thường xuyên trên các nền tảng thuộc tập đoàn Meta. Trong khi xét về khía cạnh tuyệt đối, Spotify và Youtube trả nhiều tiền hơn cho người sáng tạo, trong đó lần lượt là 7 tỷ đô la và 15 tỷ đô la – cho thấy được sự chênh lệch “bình quân đầu người” là rất rõ ràng. 

Theo phân tích của chúng tôi, nền tảng Web3 trả 174,000 đô la cho mỗi người sáng tạo trong khi con số đó của Meta chỉ là 0,1 đô la, Spotify là 636 đô la cho mỗi nghệ sĩ và Youtube là 2,47 đô la cho mỗi kênh. 

#3. Tiền điện tử đang tác động trực tiếp đến thế giới thực

Các khoản thanh toán cho người sáng tạo nội dung chỉ là một ví dụ về lợi ích của tiền điện tử, trong khi còn rất rất nhiều những lợi ích khác.

Hãy cùng điểm lại hệ thống tài chính thế giới. Hơn 1,7 tỷ người dân trên thế giới không có tài khoản ngân hàng, theo dữ liệu từ World Bank. Điều này lý giải vì sao nhu cầu về tài chính phi tập trung (DeFi), và tiền kỹ thuật số đã tăng đáng kể trong vài năm gần đây, ngay cả khi xét đến thời điểm sụt giảm gần đây của thị trường. Đối với những người không thể tiếp cận ngân hàng, ước tính 1 tỷ trong số họ sở hữu điện thoại thông minh, tiền điện tử chính là giải pháp mà họ đang tìm kiếm. Các dự án như Goldfinch đang gia tăng khả năng mở rộng nguồn vốn nhằm tiếp cận đến các thị trường còn non trẻ kia.

So sánh về tổng tài sản nắm giữ giữa các ngân hàng lớn trên thế giới và DeFi.

Tiền điện tử cũng đang là giải pháp cho nhiều thị trường khác. Flowcarbon đang cải tiến cách quản lý lượng khí thải carbon bằng cách tích hợp dữ liệu của các cơ quan, đơn vị lên nền tảng blockchain nhằm mục đích minh bạch và phục vụ cho nhu cầu truy xuất dữ liệu sau này. Helium, một mạng lưới blockchain, đang dần trở thành một thách thức đối với những gã khổng lồ truyền thông lâu đời. Và Spruce đang cho phép mọi người kiểm soát danh tính của chính họ, thay vì nhường quyền đó cho các nền tảng trực tuyến như Google hay Meta để họ có thể kiếm lợi từ thông tin người dùng thông qua các mô hình kinh doanh khai thác dữ liệu.

Tiền điện tử đang tạo ra những tác động tích cực cho thế giới.

Chúng ta không thể không kể đến DAOs, các tổ chức tự trị phi tập trung, cho phép những người xa lạ có thể phối hợp và hợp tác kinh tế để đạt được những mục tiêu chung. NFT cung cấp cho mọi người quyền sở hữu đối với những ảnh đại diện, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, vật phẩm trò chơi, vé tham gia sự kiện, bất động sản của thế giới ảo,… Và những chương trình khuyến khích người dùng mới đã giúp họ vượt qua rào cản phải bắt đầu từ con số 0, đưa họ đến với một thế giới đầy tiềm năng để khám phá. Tiền điện tử không chỉ là một sự đổi mới tài chính – nó còn là một xã hội, văn hóa và công nghệ.

Những gì chúng ta đang được chứng kiến gần như chỉ là bề nổi của một tảng băng lớn đang dần được khai phá.

#4. Ethereum vẫn luôn là người dẫn đầu, nhưng hiện đang đối mặt với những đối thủ cạnh tranh gay gắt

Ethereum thống lĩnh thị trường Web3, nhưng cũng đang quan ngại trước các đối thủ cạnh tranh khác. Những nền tảng blockchain như Solana, Polygon, BNB Smart Chain hay Avalanche đang tìm mọi cách để đạt được vị trí mà Ethereum đang nắm giữ. 

Thống kê hoạt động của đội ngũ phát triển hàng tháng kể từ lúc khởi chạy.

Vị trí dẫn đầu của Ethereum có được nhờ lợi thế khởi đầu sớm và cộng đồng ủng hộ đông đảo. Theo thống kê, Ethereum là mạng lưới có nhiều đội ngũ xây dựng nhất với hơn 4000 đội ngũ hoạt động hàng tháng. Theo sau đó là Solana (với gần 1000) và Bitcoin (khoảng 500). Sự thống trị của Ethereum nằm sâu trong nhận thức của người tiêu dùng, điều đó lý giải cho việc người dùng sẵn sàng trả hơn 15 triệu đô la phí giao dịch mỗi ngày chỉ để sử dụng mạng lưới này.

Chi phí giao dịch trung bình người dùng phải trả trong 7 ngày của các mạng lưới.

Sự phổ biến của Ethereum cũng chính là một con dao hai lưỡi. Vốn dĩ từ đầu Ethereum được đánh giá cao về tính phi tập trung hơn là việc mở rộng quy mô mạng lưới, do đó các blockchain khác có lợi thế thu hút người dùng với những hứa hẹn về hiệu suất tốt hơn cùng chi phí thấp hơn.

Ngoài ra chúng ta còn đang chứng kiến sự tiến bộ đáng kinh ngạc của khả năng tương tác với blockchain thông qua các ứng dụng “Bridge” cho phép người dùng di chuyển tài sản từ mạng lưới này sang mạng lưới khác. Đồng thời chúng ta cũng thấy được sự cạnh tranh của các nền tảng Layer 2, chẳng hạn như Optimistic Rollup hay Zero-knowledge Rollup, với mục đích giảm chi phí bằng cách mở rộng không gian lưu trữ của mỗi khối trong toàn bộ chuỗi khối.

Tổng giá trị khóa lại của các Layer 2 trên Ethereum.

Blockchain chính là sản phẩm nổi bật của một làn sóng công nghệ mới, tương tự như máy tính và băng thông lớn của những năm 90 hay như điện thoại di động của thập kỷ trước. Còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và chúng tôi tin rằng công nghệ này sẽ đem lại cơ hội chiến thắng cho rất nhiều người.

#5. Tất cả chỉ mới bắt đầu

Mặc dù khó biết chính xác số lượng người dùng Web3, nhưng chúng tôi có thể phỏng đoán được quy mô của nó. Chúng tôi ước tính có khoảng từ 7-50 triệu người dùng Ethereum đang hoạt động hiện nay, dựa trên các số liệu on-chain khác nhau, tương tự với Internet thuở sơ khai của khoảng năm 1995. Internet đạt con số 1 tỷ người dùng vào năm 2005 – một cách tình cờ, đúng vào thời điểm Web2 bắt đầu hình thành trong bối cảnh những gã khổng lồ tương lai như Facebook hay Google được thành lập.

So sánh giữa người dùng Internet và Ethereum.

Một lần nữa, mặc dù rất khó để ước tính, nếu các xu hướng tiếp diễn như dự đoán, Web3 có thể đạt 1 tỷ người dùng vào năm 2031. Nói cách khác, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Còn nhiều việc phải làm. Hãy tập trung vào xây dựng. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *